Cương vực và hành chính Tây_Hạ

Khi Tây Hạ kiến quốc vào năm 1038, cương vực bao trùm các khu vực nay là Ninh Hạ, tây bắc bộ Cam Túc, đông bắc bộ Thanh Hải, bắc bộ Thiểm Tây và một phần Nội Mông. Đông đến Hoàng Hà, tây đến Ngọc Môn, nam đến Tiêu Quan (nay ở nam Đồng Tâm, Ninh Hạ), bắc đến Đại Mạc. Đông bắc Tây Hạ liền kề với Tây Kinh của Liêu, phía đông và đông nam giáp với Tống. Sau khi Kim diệt Liêu và Bắc Tống, các mặt đông bắc, đông và nam của Tây Hạ đều liền kề với Kim. Nam bộ và tây bộ của Tây Hạ liền kết với lãnh địa của các bộ lạc Thổ Phồn, Hoàng Đầu Hồi Cốt và Tây Châu Hồi Cốt. Trên hai phần ba lãnh thổ Tây Hạ có địa hình sa mạc, nguồn nước chủ yếu là Hoàng Hà và nước ngầm có nguồn gốc từ tuyết trên núi. Thủ đô Hưng Khánh phủ nằm tại bình nguyên Ngân Xuyên, tây có Hạ Lan Sơn làm rào cản, đông có Hoàng Hà cung cấp nước.[16]

Tây Hạ là triều đại do người Đảng Hạng kiến lập, ban đầu tộc người này định cư ở cao nguyên Tùng Phan thuộc Tứ Xuyên ngày nay. Thời kỳ Đường Cao Tông, người Đảng Hạng bị Thổ Phồn áp bách, cuối cùng được triều đình Đường hiệp trợ thiên di đến khu vực Hà Sáo-Thiểm Bắc, phân thành Bình Hạ bộ và Đông Sơn bộ, có được vùng đất làm cơ sở cho việc hình thành Tây Hạ. Năm 881, nhân người Bình Hạ bộ là Thác Bạt Tư Cung có công giúp triều đình trấn áp loạn Hoàng Sào, được phong làm Hạ châu Tiết độ sứ, đến lúc này chính thức được lĩnh 5 châu: Ngân châu (nay là Mễ Chi, Thiểm Tây), Hạ châu (nay là Hoàng Sơn, Thiểm Tây), Tuy châu (nay là Tuy Đức, Thiểm Tây), Hựu châu (nay là Tĩnh Biên, Thiểm Tây), Tĩnh châu (nay là tây Mễ Chi, Thiểm Tây). Đến thời Tống, Tống Thái Tông thôn tính Hà châu Tiết độ sứ, tuy nhiên Lý Kế Thiên không muốn đầu hàng nên đem bộ lạc tiến công tứ xứ, cuối cùng thu phục đất đai 5 châu. Sau khi đánh hạ Linh châu, thế lực của người Đảng Hạng mở rộng đến khu vực Hà Sáo và Hà Tây tẩu lang. Sau khi Hạ Cảnh Tông kế vị, Tây Hạ tiếp tục củng cố Hà Tây tẩu lang, khi khai quốc xưng đế cương vực Tây Hạ bao gồm 20 châu. Sau đó, Hạ Cảnh Tông tiến hành chiến tranh với Tống ở khu vực Hoành Sơn, đồng thời có ý chiếm lĩnh Quan Trung. Sau thời Hạ Cảnh Tông, Tây Hạ và Bắc Tống tiến hành chiến tranh qua lại, hai bên chiếm lĩnh thành lũy hay trại của đối phương, chiến tranh còn lan đến khu vực Hà Hoàng ở Thanh Hải. Hậu kỳ Hạ Sùng Tông (1086-1139), Tây Hạ để mất khu vực Hoành Sơn, từng gặp phải nguy hiểm. Sau khi Kim diệt Liêu và Bắc Tống, Tây Hạ liên tục thu phục đất đai bị mất, đồng thời chiếm lĩnh khu vực Tiền Sáo Hoàng Hà. Tuy nhiên, thế lực của Tây Hạ bị Kim hạn chế, lãnh thổ được mở rộng không nhiều. Đến thời Hạ Nhân Tông, Tây Hạ ước tính có 22 châu, thời kỳ này là lần cuối bản đồ Tây Hạ ở trong trạng thái ổn định.[16]

Về phân chia hành chính, nhìn chung Tây Hạ thi hành hai cấp châu (phủ) và huyện, lập phủ ở một số châu trọng điểm. Ngoài ra còn phân tả hữu sương 12 giám quân ty, là khu quân quản. Từ 5 châu trước khi kiến quốc, Tây Hạ sau khi chiếm lĩnh khu vực Hà Sáo và Hà Tây tẩu lang, vào thời Hạ Sùng Tông-Hạ Nhân Tông có 22 châu: 9 châu Hà Nam (nam Hoàng Hà), 9 châu Hà Tây (tây Hoàng Hà), ngoại Hi Hà-Tần Hà có 4 châu.[17] Châu có số huyện không nhiều, một bộ phận chỉ có pháo đài và thành trấn, quy mô không bằng một châu của Tống. Mục đích của châu chỉ là để khuếch đại thanh thế, an trí thân tín để khống chế chặt chẽ. Các châu được thăng thành phú có: Hưng châu (Hưng Khánh phủ, Trung Hưng phủ) và Linh châu (Tây Bình phủ) ở Hà Sáo, Lương châu (Tây Lương phủ) và Cam châu (Tuyên Hóa phủ) ở Hà Tây tẩu lang. Hạ châu, Linh châu và Hưng châu nối tiếp nhau làm thủ đô của chính quyền Đảng Hạng trước khi lập quốc, có địa vị hết sức quan trọng. Lương châu ở giữa Hà Tây tẩu lang và Hà Sáo, có vị trí địa lý quan trọng. Ở Cam châu đặt ra Tuyên Hóa phủ nhằm phục trách xử lý các vấn đề Thổ Phồn và Hồi Cốt. Tả hữu sương và 12 giám quân ty chủ yếu do Hạ Cảnh Tông sắp xếp và thiết lập nhằm làm phương tiện quản lý và điều khiển quân đội. Mỗi một giám quân ty đều lập quân doanh phỏng theo chế độ của Tống, quy định đất trú đóng.[18]